SO SÁNH TÍNH NĂNG CỦA ĐÈN SCANNER VÀ ĐÈN MOVING HEAD.
Từ những năm 70,80 moving light đã xuất hiện với nhãn hiệu Vari*Light, nhưng lúc đó chỉ hoạt động theo chế độ điện cơ. Mãi đến năm 1989 hãng High End cho ra đời scanner model Intellabeam bóng HX 700, Cyberlight năm 1994, Morpheus light tung ra PCSpot và FaderBeam, Vari*Light với VL5- VL6, Light @ Sound lại là Icon luminaire-Icon washlight và tất cả đều sử dụng mã điều khiển DMX 512 thì thế hệ đèn thông minh (Intelligent) mới bắt đầu.

Đèn Scanner (đèn quét) và Đèn Moving head (đầu cử động) gọi chung là moving light. Hai loại đèn này có những điểm chung là:
-Đều dùng một trong các loại bóng đèn siêu sáng, công suất cao như đèn Chip LED siêu sáng, đèn khí cao áp, đèn HID, đèn Metal…
-Sử dụng tín hiệu mã DMX512 để điều khiển.
-Có rất nhiều chức năng sửa luồng sáng của bóng đèn như : Color (màu), Gobo (chắn sáng thành hình, bông hoa v.v), Iris (thu hoặc mở lớn bằng chắn sáng), Prism (nhân lên nhiều hình bằng lăng kính), Zoom (thu hoặc mở lớn bằng ống kính), Focus (chỉnh độ rõ nét),Pan (quay ngang), Tilt (quay dọc) v.v.
Các điểm khác nhau của đèn scanner và đèn moving head là :
– Đèn Scanner thường có thể tích lớn hơn đèn moving head nên chứa được bộ bóng đèn + bộ kích điện ballast công suất lớn. Đèn scanner công suất có thể lên tới vài kw như model NAT 4000 của Coemar. Moving head thì khiêm nhường hơn tối đa là 1200w như Clay-Paky 1200 và Studio Due 1200 nhưng chuyển động rất chậm (ì ạch).
–Đèn scanner do quét ngang và dọc bằng phản chiếu ánh sáng qua 1 tấm kính phản chiếu (mirror) nên chuyển động của ánh sáng rất nhanh, chính xác. Trái lại, đèn moving head vì phải mang nguyên một cái “đầu” nặng (có thể lên đến vài chục kg) nên chuyển động chậm chạp hơn nhiều, nếu cho chạy quá nhanh có thể chuyển động sai vị trí, chạy một thời gian lại phải reset 1 lần. Nhưng góc quét Pan, Tilt của đèn scanner bị giới hạn ở 120 độ và 90 độ, trong khi đó, đối với đèn moving head lên đến 540 độ (1 vòng rưỡi) và 260 độ. Góc quét rộng của đèn moving head là 1 ưu thế tuyệt đối mà các loại đèn khác không thể qua mặt.
-Cũng cùng lý do như trên, nhờ đường kính của thân đèn scanner lớn nên diện tích của những gobo hay color cũng lớn theo. Như vậy, luồng ánh sáng do bóng đèn dễ dàng xuyên qua hơn so với movie head . Ở Scanner, 1 đĩa gobo hay color không chia ra nhiều lỗ (5 hoặc 6), nhưng bù lại nó có thể có nhiều đĩa hơn, có thể pha trộn nhiều effect với nhau tạo ra nhiều hình rất đẹp. Hơn nữa, chỉ có Scanner cao cấp mới có thêm chế độ pha màu CMY (Cyan, Magenta, Yellow). Chỉ cần điều chỉnh 3 cần gạt trên controller là có thể tạo ra hàng triệu màu thật đa dạng.
Qua những khác biệt trên của đèn Scanner và đèn moving head ta có thể thấy ưu thế của từng loại đèn để đưa ra phương án thiết kế phù hợp cho từng sân khấu cụ thể. Đèn Scanner thì tạo ra ánh sáng đẹp, chính xác nhưng cồng kềnh nên chỉ sử dụng cho những SK cố định. Thường thì treo trên cao tạo cảnh cho phông và tạo luồng ánh sáng xa thật bén. Đèn moving head dùng cho những SK cơ động, thường đặt dưới sàn chiếu ngược lên. Ngoài ra nó hay được thiết kế trong Bar, vũ trường vì khi chuyển động, nó tạo ra những cảnh vui mắt hơn vì góc quay rộng.
Leave a Reply