Các loại camera giám sát thường được phân biệt theo cách nào
Camera hồng ngoại và camera không hồng ngoại
Camera hồng ngoại là loại camera giám sát được gắn sẵn một số lượng đèn LED hồng ngoại nhất định với mục đích hỗ trợ quan sát vào ban đêm. Vào ban ngày, khi ánh sáng đủ, camera hồng ngoại hoạt động tương tự như các camera thông thường khác, nhưng khi vào ban đêm hoặc nếu lắp đặt ở những nơi thiếu ánh sáng, các đèn hồng ngoại sẽ tự động bật lên để hỗ trợ quan sát. Khi hoạt động ở chế độ hồng ngoại, các đèn LED bật lên sẽ tiêu thụ thêm nhiều điện năng, vì thế khi lắp đặt camera hồng ngoại, bạn nên lựa chọn bộ nguồn có công suất cao hơn.
Camera không hồng ngoại (hay còn gọi là camera thường) là các camera không được gắn sẵn đèn hồng ngoại. Hầu hết các camera thường đều quan sát rất kém vào ban đêm, trong điều kiện thiếu sáng. Hiện nay có nhiều loại camera thường được tích hợp cảm biến độ nhạy sáng cao để quan sát trong điều kiện thiếu sáng, tuy nhiên, chất lượng hình ảnh vẫn không thể tốt bằng các camera có đèn hồng ngoại
Camera Indoor và camera Outdoor
Camera Indoor (lắp đặt trong nhà) là loại camera không có khả năng chống chịu mưa nắng, độ bền vật lý thấp, không chịu được va đập mạnh. Thường được lắp đặt trong nhà hoặc những nơi không chịu ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết.
Camera outdoor (lắp đặt ngoài trời) là loại camera có khả năng chịu đựng được tác động của thời tiết và các yếu tố ngoại cảnh như mưa, nắng, bụi, va đập. Camera ngoài trời thường được thiết kế với vỏ kim loại để tăng sức chịu đựng. Được dùng chủ yếu cho các trường hợp lắp đặt ngoài trời, những nơi không có mái che mưa nắng, nhiều bụi bẩn, điều kiện môi trường khắc nghiệt.
Camera Quay quét (PTZ) và không quay quét.
Camera quay quét là các camera được tích hợp hệ thống cơ học để quay trái, quay phải hoặc thu phóng hình ảnh quang học. Các camera quay quét có thể được điều khiển bởi một bàn điều khiển rời hoặc điều khiển bằng đầu ghi camera. Phương thức điều khiển camera loại này được tuân thủ theo một số giao thức tiêu chuẩn như PELCO, SAMSUNG…Bộ phận cơ học trong camera quay quét là một phần phức tạp và khó chế tạo, vì vậy những camera quay quét thường có giá thành cao hơn nhiều so với các camera thông thường khác.
Camera không quay quét: Là các camera có không có bộ phận cơ học để di chuyển góc quan sát và thu phóng đối tượng quan sát. Các camera này có thể được chia thành 2 loại là camera Dome ốp trần và camera thân. Các camera Dome ốp trần có hình dạng bán cầu, thích hợp với việc lắp đặt lên trần nhà, có hình dạng nhỏ gọn và độ thẩm mỹ cao. Các camera thân có dạng hình hộp chữ nhật hoặc hình trụ. Thông thường dùng để lắp đặt lên cột, lên tường, đôi khi camera thân cũng có thể dùng để lắp trần. Một số camera thân cho phép thay ống kính thông thường bằng ống kính có khả năng điều khiển thu phóng. Nếu thay ống kính thu phóng và gắn thêm đế quay quét cho camera loại này thì nó sẽ có đầy đủ tính năng như một camera quay quét PTZ.
Camera Analog và camera mạng IP
Camera analog là camera có đầu ra tín hiệu hình ảnh dạng tương tự (tín hiệu AV) tín hiệu đầu ra của camera analog có thể cắm trực tiếp vào đầu vào Video của Tivi để hiển thị hình ảnh mà camera thu được. Camera Analog sử dụng dây cáp đồng trục để truyền tín hiệu, chúng thường được kết nối với đầu ghi hình kỹ thuật số DVR để ghi và hiển thị hình ảnh tập chung nên một màn hình.
Camera mạng IP sử dụng giao thức mạng IP để truyền hình ảnh, mỗi camera IP trong hệ thống sẽ được thiết lập một địa chỉ IP riêng và được kết nối với nhau theo mô hình mạng. Một máy tính PC hoặc một đầu ghi hình mạng NVR có thể kết nối với các camera IP qua mạng LAN hoặc Internet để hiển thị hình ảnh các camera.
Leave a Reply